Theo tờ New York Times, có khoảng 1/3 số thực phẩm bị lãng phí trên toàn thế giới. Và người chịu thiệt hại từ hành động này chính là bạn chứ không phải ai khác. Nhiều người trong số chúng ta thường mua quá nhiều thức ăn và phải bỏ đi khi nó bắt đầu có vấn đề. Dưới đây là 10 thói quen gây lãng phí thức ăn điển hình nên tránh:
1. Mua quá nhiều
Cách đơn giản để tránh điều này là chỉ mua những gì bạn cần. Nếu không thể ăn hết túi táo lớn, hãy mua vài quả. Nếu mua quá nhiều một loại rau nào đó, hãy chuẩn bị kế hoạch ăn nó suốt tuần thay vì bỏ vào thủng rác.
2. Bỏ đi những món đồ sắp hết hạn sử dụng
Phần lớn các mặt hàng đều có hạn sử dụng được in ở một chỗ nào đó trên bao bì sản phẩm. Rất nhiều người cho rằng, nên bỏ những món đồ này đi khi chúng sắp hoặc đã hết hạn sử dụng. Sự thật là nhiều sản phẩm vẫn có thể sử dụng tốt kề từ ngày ghi trên bao bì. Cách tốt nhất để kiểm tra điều này là bạn hãy mở sản phẩm ra (nếu vẫn muốn sử dụng) và chỉ bỏ đi khi có mùi hoặc màu lạ.
3. Khẩu phần ăn quá nhiều
Đã bao giờ bạn ăn tối tại nhà người thân và khẩu phần ăn quá nhiều khiến bạn không thể dùng hết? Vậy thì chắc chắn chủ nhà sẽ bỏ đi phần thừa được để lại. Thường thấy nhất là ở các bữa tiệc buffet, người dùng thường lấy nhiều hơn nhu cầu thực sự của họ. Tốt hơn hết, bạn nên lấy một phần ăn nhỏ đủ với khả năng của mình và tiếp tục lấy thêm nếu còn cảm thấy đói.
4. Thức ăn còn thừa
Đôi khi chúng ta không có tâm trạng để ăn thức ăn còn dư, nhất là khi bạn phải ăn một món trong suốt cả tuần. Các đĩa thức ăn thừa dần dần chất đầy trong tủ lạnh và có thể xuất hiện nấm mốc. Thức ăn thừa có nghĩa là phải hâm nóng lại để sử dụng nhưng nhiều người thích vứt bỏ chúng đi rồi tìm đến món mới.
5. Ăn quán
Ngược với nhà hàng, các quán ăn thường phục vụ khách hàng suất ăn lớn hơn và bạn sẽ bỏ lại khá nhiều trên đĩa. Chắc chắn không ít lần chúng ta nhìn thấy thực khách đứng dậy thanh toán trong khi họ vẫn còn một nửa phần ăn. Do đó, bạn nên yêu cầu giấy gói để mang chúng về nhà. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm thêm thực phẩm, trừ khi món ăn đó quá ghê sợ.
6. Lưu trữ thực phẩm
Thực phẩm bị lãng phí vì chúng không được lưu trữ đúng cách. Tỏi và cà chua sẽ bị hỏng nhanh hơn nếu bỏ trong tủ lạnh còn táo lại trở nên ngon, ngọt hơn khi bảo quản ở điều kiện mát mẻ. Biết cách tốt nhất để lưu trữ thực phẩm sẽ giúp bạn giữ chúng lâu hơn.
7. Không sử dụng thực phẩm chín quá
Bạn đã bao giờ ném một quả chuối chín đen vỏ hoặc rau củ bắt đầu hỏng vào thùng rác? Rất nhiều sản phẩm kiểu này có thể được sử dụng theo các cách khác nhau như món hầm, sinh tố, nước sốt hoặc món tráng miệng.
8. Thực phẩm đông lạnh
Đối với những khẩu phần ăn quá lớn không thể sử dụng hết, bạn hãy chia ra và làm đông lạnh thay vì bỏ đi. Điều này đặc biệt phù hợp với thực phẩm tươi sống nếu bạn mua quá nhiều.
9. Không “chia sẻ” bữa ăn
Bạn đi ăn ngoài với người thân, bạn bè rồi mỗi người gọi một món khai vị riêng biệt? Đây chính là lúc việc chia sẻ phát huy tác dụng. Thay vì cảm thấy chán và bỏ thừa, mỗi người sẽ được tận hưởng hương vị của món tráng miệng khác nhau.
10. Mua thực phẩm không cần
Chắc chắn ai cũng có ngày muốn ăn cái gì đó khác với những gì họ có trong tủ lạnh. Nhưng nếu bạn đang nỗ lực hạn chế lãng phí thực phẩm, tốt nhất bạn hãy sử dụng những thứ dễ hư hỏng trước khi ra ngoài và mua các mặt hàng mới.
Theo Nguyễn Tâm – VNExpress