Được biết đến như một “trào lưu” thời thượng giúp bảo vệ môi trường, nhưng những ai bắt đầu lối sống này mới hiểu cần có sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn mới có thể đi lâu dài trên con đường này. Vậy những nỗi khổ cho những ai theo đổi lối sống bền vững bảo vệ môi trường là gì?
Hãy cùng chúng mình khám phá với bài viết này nhé!
Phải luôn nặng hơn người khác 1 xí

Gánh nặng ở đây là theo đúng nghĩa đen. Tức là những ai lựa chọn lối sống xanh, giảm nhựa, khi ra ngoài, sẽ phải tự nhớ đem theo ít nhất là một chiếc bình cá nhân hoặc chiếc túi tote đem theo phòng hờ và từ chối dùng túi nilon, ly nước dùng 1 lần…
Không những thế, bạn sẽ còn nặng về não nữa, vì ta sẽ phải nhớ rất nhiều thứ mỗi khi bước chân ra khỏi nhà như túi, bình nè, vân vân và mây mây. Không những thế, đi tới đâu, mình cũng phải nhớ dặn cô/chú/bạn bán hàng là: “đừng lấy túi nilon cho con nha” “đừng lấy ống hút nhựa dùm mình nhé”, nếu lỡ ta quên một cái là trong lòng ta sẽ phải chịu nhiều dằn vặt lắm.
Tăng chi phí mua sắm

Mỗi chiếc bình cá nhân 500 – 800 ml có mức giá tầm 300.000 VNĐ, một bộ dụng cụ ống hút cá nhân 5 món có giá 70.000 VNĐ, một chiếc túi tote trung bình tầm 100.000 VNĐ. Vậy sương sương ta đã tốn gần 500.000 VNĐ rồi. Điều này nghe có vẻ tốn kém vì trước đó mình có phải tốn đồng nào cho một cái ống hút chiếc bao nilon đâu? Vấn đề kinh tế là một rào cản khá lớn để nhiều bạn trẻ có thể tiến đến sống xanh. Tuy nhiên nếu nhìn trên một quá trình lâu dài thì mọi người chỉ đang đầu tư chi phí để tiết kiệm trong tương lai. Cụ thể là một chiếc bình cá nhân bạn có thể sử dụng rất nhiều lần mà lại còn đảm bảo được sức khỏe của bản thân hơn khi sử dụng những loại ly nhựa dùng 1 lần. Những loại nhựa kém chất lượng có thể gây mất cân bằng nội tiết tố, tăng nguy cơ mắc các bệnh thần kinh, bệnh đường hô hấp, gây tăng động, suy yếu, thay đổi hệ thống miễn dịch và các mối đe dọa khác.
Bị người khác bàn tán

Nếu là một người sống xanh hẳn bạn đã ít nhất 1 lần chịu những ánh nhìn khó hiểu từ những người xung quanh. Như đi chung với một nhóm bạn mà mình chỉ cần nói “bỏ ống hút nhựa ra giúp mình ra nhé” là y như rằng bạn cũng sẽ bị ít nhất một biểu cảm khó chịu ném vào người. Hoặc những câu bông đùa của những người khác dành cho mình kiểu như “có một người giảm vậy thì ăn thua gì?”, “Mấy cái này cũng như muối bỏ vể thôi”. Buồn hơn nữa là có người chỉ nghĩ bạn là một người đang ra vẻ hay cố đu trend.
Nỗi khổ làm người ngược dòng

Khi mọi người ngày càng bận rộn, các dịch vụ đặt giao hàng cũng phát triển theo. Những phương thức đóng gói hàng hóa hầu hết sử dụng nhựa nhằm giảm thiểu khối lượng, tiết kiện chi phí và diện tích vận chuyển. Đứng trước thời cuộc, bạn sẽ cảm thấy như một con cá hồi bơi ngược dòng để để sống xanh hơn. Đã bao lần bạn phải căng mắt tìm kiếm những quán ăn giảm thiểu việc sử dụng nhựa, hay những nơi có các mặt hàng đóng gói với những vật liệu thân thiện môi trường.
Nhưng cuối cùng thì…vẫn đáng!

Dẫu có rất nhiều nỗi khổ thầm kín như thế, nhưng cuối cùng hành trình này vẫn rất đáng phải không cả nhà. Bởi chúng ta đều biết rằng mình đã làm được một điều ý nghĩa dành cho đời, cho môi trường và cả cho chính bản thân. Khi giảm dù chỉ là một bịch nilon thì Trái Đất cũng đã nhẹ đi bớt phần nào. Và cứ từng người bớt như thế thì số lượng nhựa dùng 1 lần thải ra môi trường cũng đã vơi đi khá nhiều. Nhất là khi giờ đây, Trái Đất đang phải gánh tới 8.3 tỷ tấn nhựa thì dẫu bản thân ta có nặng thêm 1 tí nhằm giảm đi khối lượng ấy thì cũng sao đâu. Còn nếu ai đó nói rằng đây chỉ là việc vô ích và phí thời gian thì hãy cứ tin rằng bạn không hề cô đơn trong hành trình giảm nhựa này vì vẫn luôn có rất nhiều bạn trẻ khác đang ngày ngày cố gắng bớt đi một chút phần tiêu thụ của mình để giảm phát thải nhựa ra môi trường giống bạn đấy!